Qua thực nghiệm tại một số hộ sản xuất cà phê ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, các mô hình tưới nước tiết kiệm như tưới nhỏ giọt tại gốc hoặc tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc đều mang lại hiệu quả cao.
Theo đánh giá của TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, tưới tiết kiệm theo nguyên lý tưới phun mưa tại gốc là phù hợp với cây cà phê hơn cả, vì cây cà phê bước vào mùa khô cần một lượng nước khá lớn trong lần tưới đầu tiên để giúp cây ra hoa tập trung. Đây là kỹ thuật tưới khá tiết kiệm và phù hợp với địa hình, khí hậu, điều kiện nguồn nước, tập quán canh tác của các nông hộ sản xuất cà phê ở vùng Tây Nguyên.
Cũng theo TS. Lê Ngọc Báu, hệ thống tưới tiết kiệm bằng hình thức tưới phun mưa tại gốc không chỉ dễ lắp đặt, mà còn sử dụng hoàn toàn các nguyên vật liệu phổ thông trong nước, gồm đường dây ống nhựa PVC (có khoá đóng, mở), một bể chứa nước và mô tơ bơm nước, đầu tư trung bình một hệ thống chỉ từ 20 đến 50 triệu đồng/ha, sử dụng được từ 10 năm trở lên. Lưu lượng nước mỗi vòi phun tại gốc không quá cao, quá mạnh, với 60 đến 80 lít nước/giờ/gốc, thời gian tưới lần đầu chỉ 4 đến 5 giờ kích thích cà phê bung hoa đồng loạt, nên năng suất luôn đạt từ 3 tấn cà phê nhân/ha trở lên, giảm được từ 350 đến 380 lít nước/gốc/đợt tưới so với tưới bình thường như trước đây, với chu kỳ tưới 20 ngày/lần tưới.
Hệ thống tưới này cũng không tạo dòng chảy mạnh trên mặt đất, không phá vỡ cấu tượng mặt đất do tia phun hạt mưa nhỏnên không gây xói lở, rửa trôi độ mùn trong đất. Toàn bộ hệ thống đều được đặt ngầm trong vườn thuận tiện cho việc chăm sóc, canh tác cũng như tự động hoá toàn phần việc tưới cho cây cà phê, không những tiết kiệm 20 đến 30% lượng nước tưới và phân bón mà còn tiết kiệm được phần lớn công lao động tưới nước, bón phân.
Anh Nguyễn Bá Hân, ở xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, là một trong 15 nông hộ sản xuất cà phê ở Đắk Lắk áp dụng hình thức tưới phun mưa tại gốc cho biết, sau 2 năm áp dụng, gia đình thấy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm được nước, phân bón, công đầu tư tưới…, mỗi năm được từ 15 đến 17 triệu đồng cho một ha mà còn cho năng suất ổn định luôn đạt từ 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Ngay mùa khô này, gia đình vẫn đảm bảo nguồn nước tưới phun mưa tại gốc cho cả vườn cà phê. Anh Nguyễn Bá Hân cũng kiến nghị, trước mắt Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới nước mới này vào vừa phục vụ tốt việc thâm canh cây cà phê vừa tiết kiệm được tài nguyên nước.
Ngoài ra, phương pháp tưới tiết kiệm này không chỉ chủ động cho nước tưới cây cà phê mà còn phục vụ tốt việc bón phân vào nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đến với cây cà phê một cách chính xác, đủ nước cho những nơi đất ẩm ướt, tập trung nhiều rễ nhất, đồng thời, chủ động thời điểm bón phân mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giảm suy thoái, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, việc sử dụng hệ thống phun mưa tại gốc cho cây cà phê ở Tây Nguyên vẫn chưa được nhân rộng, nhiều nông hộ, doanh nghiệp còn e ngại. Do vậy, các chuyên gia và nhiều nông hộ cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần tổ chức cho doanh nghiệp, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê đi tham quan các mô hình tưới nước, bón phân tiết kiệm, đồng thời, có chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện nhân rộng các mô hình.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 573.000 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch 532.499 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 1,2 triệu tấn cà phê nhân trở lên./.